Phát triển hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số, đảm bảo an toàn trên không gian mạng.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng nền tảng dữ liệu, dịch vụ, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; đảm bảo an ninh an toàn thông tin (ATTT); phát triển nguồn nhân lực CNTT... là các nhóm giải pháp trọng tâm được TP Hạ Long triển khai thực hiện nhằm phát triển CNTT trở thành động lực, công cụ, phương tiện trong quản lý xã hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh.

Thành phố đang khai thác sử dụng hệ thống thông tin, nền tảng dữ liệu thuộc đề án Chính quyền điện tử tỉnh (áp dụng chung trong toàn tỉnh). Hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng, Internet, Lan và đường truyền hệ thống truyền hình trực tuyến của thành phố hoạt động ổn định, thông suốt.

Khảo sát lắp đặt trạm BTS vùng lõi

Thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 14/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phủ sóng sóng di động, cáp quang. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 887 trạm BTS, tỷ lệ phủ lõm sóng đạt trên 97%; 123 điểm phát sóng wifi miễn phí (107 điểm ở các điểm du lịch và 16 điểm ở các xã theo tiêu chí nông thôn mới); 38 điểm kết nối hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); 32 trạm truyền thanh không dây (đảm bảo 100% nhu cầu truyền thanh không dây), trong đó có 17 trạm truyền thanh ứng dụng CNTT-VT IP phát sóng tới 951 loa phát thanh không dây. Tỷ lệ khu dân cư tập trung có kết nối internet băng rộng cố định đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 87%; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt trên 95%.

Phối cảnh lắp đặt trạm BTS trên Vịnh Hạ Long

Cổng thông tin điện tử thành phố cũng đã được nâng cấp, gồm 01 cổng chính và 33 cổng thành phần. Đang hình thành cơ sở dữ liệu tập trung (dữ liệu mới) tại Trung tâm điều hành thành phố thông minh. 100% phòng, ban, đơn vị được cấp chứng thư số; trên 100% cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố được cấp chữ ký số (đã cấp 1.630 chữ ký số; hiện nay còn một số chữ ký số hiện đang tổng hợp đề xuất thực hiện cấp đổi, gia hạn).

TP tích cực phối hợp với các ngành chức năng để thu thập, đối chiếu, làm sạch dữ liệu dân cư. Đến nay, 100% dữ liệu dân cư của thành phố thu thập được đã thực hiện làm sạch đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Một trong những nội dung quan trọng để có thể chuyển đổi số toàn diện, đó là: phát triển nguồn nhân lực. TP đã cử 04 cán bộ tham gia nội dung đào tạo 100 chuyên gia chuyển đổi số của tỉnh; cử 25 cán bộ tham gia đào tạo xây dựng nhân lực công nghệ số nòng cốt trong hệ thống chính trị của thành phố; cử thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tham gia buổi tập huấn do Cục tin học hóa tập huấn.

Tập huấn về CĐS cho các tổ công nghệ cộng đồng

Hội nghị tập huấn chữ ký số và khai thác phần mềm Chính quyền điện tử cho lãnh đạo các phòng ban đơn vị, UBND các xã phường cũng đã được TP triển khai, cùng với đó là 02 hội nghị phân tích chỉ số đánh giá mức độ Chính quyền điện tử và triển khai triển khai bộ chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh phiên bản 1.0 (trên 150 người tham gia); 01 hội nghị tập huấn tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng một số nội dung, kỹ năng và sử dụng các nền tảng số (trên 2.000 thành viên); 40 cuộc tập huấn, tuyên truyền về chữ ký số, chuyển đổi số, chính quyền điện tử; 02 cuộc về CCHC chuyển đổi số và Chỉ số Chính quyền điện tử ICT (719 người tham gia); 02 cuộc tập huấn thanh toán thuế (trước bạ, thu nhập cá nhân) qua cổng dịch vụ công quốc gia; tập huấn chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cho lãnh đạo phụ trách và cán bộ tư pháp 33 xã phường; tập huấn, hội thảo, xã, thôn thông minh năm 2022; 03 cuộc tập huấn DVC trực tuyến cho 33 xã, phường và Đoàn Thanh niên; tập huấn kỹ năng số cho lãnh đạo UBND các xã, phường qua nền tảng trực tuyến của Bộ Thông tin và truyền thông (1.029 cán bộ, công chức, viên chức tham gia); 02 lớp tập huấn số hóa hồ sơ TTHC và giải quyết trên môi trường điện tử (trên 92 học viên); Bồi dưỡng chuyên đề về Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho gần 60 đối tượng đảng viên mới; tổ chức 01 cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về Chuyển đổi số toàn diện thành phố Hạ Long năm 2023 (thực hiện đầu tiên đối với 13 đơn vị cấp huyện).

Hiện nay, Thành phố có 22 nhân lực công nghệ thông tin, viễn thông (gồm 05 trong cơ quan hành chính, 12 đơn vị sự nghiệp công lập; 07 trong đơn vị sự nghiệp) trong đó, 08/22 người có trình độ công nghệ thông tin, viễn thông được phân công thực hiện nhiệm vụ đúng với chuyên môn. 100% người đứng đầu các phòng ban, đơn vị, UBND các xã phường sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số.

Thành phố xác định Chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong thời gian qua, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Thành phố đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai, thực hiện và đạt nhiều kết quả; Tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn diện trên 03 trục “chính quyền số” “kinh tế số” và xã hội số”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế: Tiến độ thực hiện chuyển đổi số trên một số lĩnh vực, chỉ tiêu, nhiệm vụ còn chậm; một số đơn vị vẫn lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt gắn với định hướng, chiến lược phát triển cũng như những nhiệm vụ phải triển khai liên tục thường xuyên; việc xác định bài toán chuyển đổi số của đơn vị mình và thứ tự ưu tiên cần giải quyết; doanh nghiệp và người dân chưa tích cực sử dụng, khai thác nền tảng số.

Nguyên nhân là do: Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, cần nhiều thời gian tiếp cận, nguồn lực lớn để triển khai thực hiện theo lộ trình. Tâm lý ngại thay đổi phương thức làm việc từ truyền thống sang phương thức sử dụng chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức toàn diện về chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, trong các doanh nghiệp và tầng lớp nhân để tạo chuyển biến mạnh mẽ phục vụ chuyển đổi số nhanh, hiệu quả. Triển khai rà soát hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng sóng viễn thông, trang thiết bị để đảm bảo hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số của thành phố. Triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của thành phố và Cổng dữ liệu mở, tạo lập và cung cấp/công bố dữ liệu mở của tỉnh qua Cổng dữ liệu mở đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu đến Cổng dữ liệu mở quốc gia. Đẩy mạnh sử dụng các nền tảng, ứng dụng dùng chung của tỉnh gồm các hệ thống của Chính quyền điện tử tỉnh (thư công vụ, hệ thống thông tin xử lý văn bản, Cổng dịch vụ công tỉnh….) và triển khai các nền tảng đã được triển khai rộng rãi trong toàn quốc.

Đỗ Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 146