“Thành phố di sản - Sắc màu Hạ Long” năm 2024.
Diễn ra trong hai ngày 1 và 2.9 tại Hạ Long (Quảng Ninh) với chủ đề “Thành phố di sản - Sắc màu Hạ Long” năm 2024, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm bay, tham quan khinh khí cầu.
Đồng thời để quảng bá hình ảnh của thành phố Di sản, văn hoá, con người Hạ Long; tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn trong dịp hè 2024, góp phần thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Người dân và du khách sẽ được trải nghiệm bay, tham quan khinh khí cầu. Chương trình được tổ chức lần đầu tại TP Hạ Long, là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024).
Theo kế hoạch, Lễ hội bao gồm bay treo khinh khí cầu; tham quan khinh khí cầu; đêm hoa đăng khinh khí cầu; khí cầu trang trí mặt đất.
Lễ hội khai mạc lúc 7h ngày 1.9 tại TP Hạ Long. Từ 7h -9h và từ sau 16h30 chiều mỗi ngày sẽ tổ chức bay treo khinh khí cầu. TP Hạ Long sẽ phát hành vé bay treo miễn phí (hoặc thẻ) để kiểm soát số lượng khách. Địa điểm tổ chức tại Quảng trường 30.10 và Bãi biển Công viên Đại Dương.
Đối với hoạt động tham quan bên trong khinh khí cầu sẽ diễn ra tại Quảng trường 30.10 từ 7h30-9h30 và từ 15h30 mỗi ngày. Thành phố cũng sẽ phát hành vé tham quan miễn phí (hoặc thẻ) để kiểm soát số lượng khách.
Đêm hoa đăng khinh khí cầu được tổ chức từ 19h30 ngày 2.9 tại Quảng trường 30.10. Khí cầu trang trí mặt đất diễn ra trong ngày 1 và 2.9 tại Quảng trường 30.10.
Bên cạnh Lễ hội khinh khí cầu sẽ có hoạt động bổ trợ là dù lượn động cơ (Paramotor). Tuyến đường bay từ Bãi Cháy bay qua vịnh Cửa Lục về Quảng trường 30.10 và ngược lại.
Với mục tiêu phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là Thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, UBND TP Hạ Long đã ban hành Quyết định số 7556/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hạ Long - thành phố lễ hội”.
Đề án thể hiện tầm nhìn, cách làm sáng tạo của địa phương trong thực hiện công tác bảo tồn, tôn vinh các lễ hội truyền thống, phát triển các lễ hội mới đáp ứng nhu cầu vui chơi, thụ hưởng văn hóa của người dân. Qua đó, từng bước hình thành thương hiệu cho các lễ hội văn hoá, du lịch riêng có của thành phố bên bờ di sản.
TP Hạ Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng, 13 lễ hội truyền thống và hiện đại. Trong đó, nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Trong những năm qua, Hạ Long đã dành nguồn lực, quan tâm, làm tốt công tác tổ chức những lễ hội, ngày hội truyền thống một cách bài bản, quy mô, mang đậm dấu ấn, nét đẹp văn hóa, con người vùng đất di sản và đang dần trở thành các sản phẩm thu hút khách du lịch qua mỗi lần tổ chức.
Nổi bật, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được thành phố và tỉnh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua.
Để triển khai thực hiện Đề án “Hạ Long - thành phố lễ hội”, thành phố sẽ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng của TP Hạ Long.
Một số lễ hội có giá trị, sự kiện tiêu biểu để tổ chức thường niên ở quy mô cấp thành phố sẽ được nâng cấp và lựa chọn phục dựng lại một số lễ hội truyền thống có giá trị tiêu biểu; huy động có hiệu quả các nguồn xã hội hoá để tổ chức lễ hội, sự kiện.
Thành phố sẽ duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có; điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long.
Lựa chọn, tổ chức các lễ hội, sự kiện tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu của người dân và nguồn lực của thành phố, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Từ đây, đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long - Quảng Ninh.
Năm 2025, TP Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu TP Hạ Long; Lễ hội chùa Lôi Âm; Lễ hội đền Cái Lân; Lễ hội chùa Long Tiên.
Bên cạnh đó, nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống: Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ. Đặc biệt, tập trung xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025), Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ (năm 2027).
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống TP Hạ Long; Lễ hội hoa anh đào và tuần văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội hoa - Thiên đường hoa Quảng La; Lễ hội mùa ổi chín...
Dự kiến có 16 lễ hội, sự kiện văn hóa cấp thành phố; 14 lễ hội du lịch cấp xã, phường.
Tin tức khác
- Hội đồng nhân dân xã Sơn Dương tổ chức kỳ họp thứ 26, nhiệm kỳ 2021-2026.
- Hạ Long khánh thành, bàn giao “Nhà Đồng đội”, “Nhà Đại đoàn kết”.
- Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Dương tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng cho 2 đồng chí đảng viên, đợt 7/11/2024
- Trao tặng, bàn giao khu vui chơi cho thiếu nhi xã Sơn Dương.
- TP Hạ Long: Công bố sáp nhập phường Yết Kiêu vào phường Trần Hưng Đạo.